Những năm gần đây, nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng muối ngày một tăng, nhưng điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn cứ đeo bám diêm dân. Hiện tại, giá muối đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành sản xuất cho nên đời sống của đại bộ phận diêm dân gặp nhiều khó khăn.
Xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có nghề làm muối từ hàng trăm năm nay. Thời kỳ giá muối đạt “đỉnh” 2.000 – 2.500 đồng/kg, diện tích đồng muối ở xã đạt tới 130 – 140 ha, sản lượng mỗi năm đạt xấp xỉ hàng chục nghìn tấn.
Đến nay, diện tích sản xuất muối hiện tại của xã Quỳnh Thuận đã giảm chỉ còn khoảng 50% so với trước đây, nếu tính về sản lượng thì chỉ đạt 40% so với thời điểm của khoảng 10 năm trước. Cùng với đó, giá muối đang không ngừng giảm sút theo từng năm, hiện tại đã vào đại mùa nhưng giá muối chỉ dao động từ 1.000 – 1.200 đồng/kg.
Khi thị trường mở rộng và sự cạnh tranh khiến giá muối rớt thê thảm, không ít diêm dân đã chấp nhận việc bỏ nghề để chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán có thu nhập tốt hơn. Số hộ sản xuất muối còn lại hiện đều nằm ngoài nhóm tuổi lao động (người già và trẻ con) làm tranh thủ ngày nắng kiếm đồng tiền mua rau vì không thể tìm được công việc thay thế.
Tại miền Đông Nam bộ, vụ sản xuất muối 2016-2017, trái với mọi năm, năm nay do mùa mưa tới sớm, nhiều cánh đồng ngập trong nước khiến đời sống diêm dân khó khăn.
Ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, do đặc điểm khí hậu, muối ở thường chỉ sản xuất được trong khoảng thời gian từ tháng 12 tới tháng 7 năm sau. Nhưng do năm nay thời tiết thất thường, ngay từ tháng 5 trời đã bắt đầu mưa, ảnh hưởng nhiều đến dây chuyền sản xuất muối của diêm dân. Suốt tháng 5.2017, không lúc nào đủ thời gian nắng (thường là 3-4 ngày liên tục) để diêm dân nơi đây thu hoạch trọn vẹn mẻ muối. Cả huyện có khoảng 700 hộ sản xuất muối, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 150.000 tấn muối. Do đặc trưng nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên nhiều hộ dân ở đây đang rơi vào thế bị động vì sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tương tự, tại vùng ven biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vựa muối lớn nhất ở khu vực miền Đông, hàng ngàn hộ dân cũng đang lo lắng vì thời tiết và sản lượng muối. Mưa kéo dài không sản xuất được, dù giá muối thô bán tại ruộng hiện nay ở Bà Rịa – Vũng Tàu vào khoảng từ 1.000-1.300 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái nhưng hầu hết diêm dân đều không có muối để bán.
Tại Bến Tre, không những giá muối bán thấp hơn giá thành sản xuất mà còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến bất lợi (mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên) khiến năng suất giảm nghiêm trọng.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm đến nay, diêm dân chỉ thu hoạch khoảng hơn 20 ngàn tấn muối, cùng với số muối còn tồn từ năm trước hơn 18 ngàn tấn muối, trong đó huyện Ba Tri tồn 14 ngàn tấn, Bình Đại tồn hơn 4.300 tấn. Do diễn biến nghề muối ngày càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hiện nhiều diêm dân cho biết sẽ bỏ đất trống, không sản xuất muối năm sau hoặc chuyển sang nuôi thủy sản quảng canh.
Muối tồn là do năm nay diễn biến thời tiết thất thường, hay xuất hiện mưa trái mùa nên sản lượng muối thấp, diêm dân trữ muối lại để chờ giá cao mới bán ra thị trường. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khu vực Nam bộ năm nay mùa mưa tới sớm và kéo dài hơn mọi năm từ 1-2 tháng. Dự báo, trong tương lai gần xu thế ngập lũ và triều cường trên vùng đồng bằng ven biển gia tăng trái ngược lại với xu thế thay đổi diễn biến lũ đến từ thượng nguồn.
Đầu ra cho hạt muối bao năm qua vẫn bấp bênh, vì thế nghề muối vẫn chưa thể phát triển bền vững. Một trong những nguyên nhân là chất lượng muối chưa đạt chuẩn; để làm ra một hạt muối phải cõng thêm nhiều chi phí do nghề này vẫn dựa vào lao động và phương pháp thủ công dùng sức người là chính.
Để gỡ khó khăn cho nghề muối, ông Phan Xuân Hòa, Chủ tịch Hội ND xã An Ngãi mong muốn, Nhà nước cần tìm ra cơ chế hỗ trợ hữu hiệu, không cần hỗ trợ bằng tiền mà bằng cơ chế, chính sách hợp lý. Qua đó giúp người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối, tăng sản lượng, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách và đưa ra giải pháp ổn định giá muối, nếu làm được như vậy về lâu dài muối do diêm dân làm ra mới có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.